Nám da: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Nám da

Nám da là vấn đề không còn quá xa lạ đối với phụ nữ, đó là tình trạng da xuất hiện những đám màu nâu hoặc màu xám nâu trên da. Nám da mặt là loại nám da hay gặp nhất, sự thay đổi sắc tố da có thể xảy ra trên da mặt, môi, trán, cằm, sóng mũi. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gặp ở những vị trí khác nhau trên cơ thể, đặc biệt là vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như da vùng cánh tay hay cổ.

Nám da thường gặp nhất ở phụ nữ 20-50 tuổi (phụ nữ trong độ tuổi sinh sản), trong đó nám da ở phụ nữ có thai và nám da sau sinh khá phổ biến. Nam giới ít khi bị nám da hơn nữ giới. Bệnh cũng liên quan đến đến địa lý, chủng tộc, màu da khi mà phụ nữ châu Á, da màu có tỷ lệ nám da cao hơn so với phụ nữ da trắng.

Nguyên nhân bệnh Nám da

Nguyên nhân gây nám da có thể được giải thích do rối loạn sắc tố thứ phát. Điều này có thể đến từ nguyên nhân nội sinh, ngoại sinh hoặc đôi khi là sự kết hợp của cả hai.

Nguyên nhân nội sinh

  • Sự lão hóa là một quá trình tất yếu của da.
  • Sự thay đổi nội tiết tố: Nám da có thể xảy ra ở phụ nữ có thai hoặc phụ nữ sau sinh; những người sử dụng thuốc tránh thai hay nội tiết thay thế, nám da cũng có thể gặp ở bệnh nhân mắc các bệnh lý nội tiết tại tuyến giáp, buồng trứng.
  • Stress kéo dài.
  • Nhiễm độc thủy ngân, chì, corticoid,… có trong các loại mỹ phẩm.
  • Cơ địa.

Nguyên nhân ngoại sinh

  • Tiếp xúc ánh nắng mặt trời gay gắt: các tia bức xạ UVA, UVB có trong ánh nắng kích thích tế bào hắc tố, đặc biệt là trên nền da có tiềm ẩn dị ứng do hóa chất, sẽ trực tiếp gây ra rối loạn sắc tố da, đồng thời thúc đẩy lão hóa da, ung thư da và gián tiếp gây nám da.
  • Bệnh lý viêm, nhiễm trùng nhiễm độc.
  • Dị ứng da tại chỗ.
  • Dinh dưỡng không hợp lý: thiếu hoa quả tươi, thiếu các loại Vitamin thiết yếu.

Triệu chứng bệnh Nám da

Nám da có triệu chứng như thế nào?

Rối loạn tăng sắc tố da xảy ra ở từng mảng da, làm cho da có màu sẫm hơn bình thường. Các vị trí hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt, cổ, cánh tay… là các vị trí thường hay bị nám da. Đặc biệt là nám da trên mặt thường đối xứng hai bên.

Phân biệt nám da và tàn nhang?

Nám da

Nám da là các đốm sẫm màu với nhiều mức độ đậm nhạt. Thường xuất hiện đối xứng 2 bên má, môi trên, cằm, trán,… Nám da đặc trưng bởi màu sắc sẫm, nâu hoặc thâm vàng, có nhiều kích thước nhưng thường lớn hơn tàn nhang.

Tàn nhang

Tàn nhang cũng là tình trạng tăng sắc tố, tuy nhiên không giống như nám da có màu sắc khá đặc trưng, tàn nhang có màu sắc đa dạng hơn với màu nâu sẫm, nâu nhạt, vàng, đỏ, xám, đen. Đậm độ tàn nhang thay đổi theo cường độ ánh sáng mặt trời, vậy nên mùa hè thì tàn nhang đậm hơn mùa đông. Kích thước của tàn nhang thường nhỏ hơn so với nám da, các đốm có thể nhỏ như đầu tăm cho đến hạt vừng.

Đối tượng nguy cơ bệnh Nám da

  • Phụ nữ: Nữ giới có nguy cơ nám da cao hơn nam giới rất nhiều lần, có đến 90% bệnh nhân nám da ở Hoa Kỳ là nữ giới.
  • Người da màu: ở châu Á, Địa Trung Hải, Trung Đông, Bắc Phi, người Mỹ gốc Phi,…
  • Tiền sử gia đình có người bị nám da.
  • Sử dụng hormon Estrogen và Progesterone ngoại sinh.
  • Bệnh lý tuyến giáp.
  • Stress.

Phòng ngừa bệnh Nám da

Việc điều trị nám da thường không đơn giản và khá tốn kém. Tuy nhiên, các biện pháp sau có thể giúp phòng ngừa các vấn đề tăng sắc tố da nói chung và nám da nói riêng.

  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10h đến 15h: vì lúc này các tia bức xạ hoạt động mạnh nhất và có thể làm tổn thương làn da.
  • Bôi kem chống nắng: trước khi ra ngoài cần bôi kem chống nắng trước 15-30 phút, loại kem chống nắng được lựa chọn cần có chỉ số SPS tối thiểu là 30. Cần bôi lại sau mỗi 2h hoặc nhiều lần hơn nếu da đổ nhiều mồ hôi hoặc đi bơi.
  • Che chắn làn da bằng các trang phục chống nắng: mũ rộng vành, áo quần hay váy chống nắng có thể hạn chế sự tác động trực tiếp của tia nắng lên da.
  • Chế độ dinh dưỡng: Rau quả tươi có thể giúp có được làn da khỏe, đẹp. Uống nhiều nước cũng rất cần thiết cho da cũng như các hoạt động khác của cơ thể. Một chế độ dinh dưỡng giàu các Vitamin A, E, C hay Omega-3,… sẽ đẩy lùi tiến trình lão hóa da, giảm thiểu nguy cơ nám da. Hạn chế bia rượu, các thức ăn gây nóng, các thức ăn làm sung huyết da có thể hạn chế được nám da cũng  như các vấn đề tăng sắc tố khác trên da.
  • Sử dụng mỹ phẩm được kiểm định an toàn: Các mỹ phẩm có thể chứa những chất có hại cho da, trong đó có chất bào mòn da và khiến cho da dễ bị nám. Vì vậy, không nên sử dụng các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại mỹ phẩm không an toàn cho da, và một điều cần lưu ý là lựa chọn mỹ phẩm phù hợp với từng loại da của mỗi người.
  • Đi khám bác sĩ da liễu khi có các vấn đề trên da: Không để tình trạng nám da quá lâu rồi mới đi khám, vì việc phát hiện và điều trị sớm sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hay các sản phẩm không rõ nguồn gốc, vì có thể làm cho nám da nặng nề thêm.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nám da

Bác sĩ sẽ khám vùng da bị tổn thương để chẩn đoán bệnh nám da. Bác sĩ chuyên khoa có thể sử dụng đèn Wood – một dụng cụ chuyên biệt tại phòng khám da liễu để xác định chính xác hơn tình trạng tổn thương trên da. Ngoài ra, ở một số trường hợp nhất định, sinh thiết cũng có thể được chỉ định để kiểm tra tình trạng nghiêm trọng ở da bệnh nhân.

Các biện pháp điều trị bệnh Nám da

Việc điều trị nám da thường không dễ dàng. Bệnh nhân thường phải mất đến 6 tháng – 1 năm cho một liệu trình điều trị. Bác sĩ thường phối hợp nhiều biện pháp để đạt được hiệu quả cao trong điều trị nám da, tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Ngoài thuốc bôi tại chỗ do bác sĩ chỉ định, muốn chữa nám da cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong điều trị nám da. Các thức ăn giàu glutathione như cà chua có thể ngăn ngừa quá trình hình thành nám da. Các thực phẩm giàu selen như măng, nấm, trứng, hải sản,… giúp phòng ngừa nám da tái phát. Việc bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, E cũng rất cần thiết để có được một làn da khỏe mạnh, hạn chế sự hình thành nám da. Các thức ăn gây kích thích như ớt, tiêu, bia rượu,… cũng cần được hạn chế.

Chống nắng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị nám da hiệu quả, đặc biệt từ 10 đến 15h hàng ngày là lúc ánh nắng có tia UV rất cao gây hại cho da, ngăn cản hiệu quả điều trị nám da. Việc bôi kem chống nắng là điều hết sức cần thiết để bảo vệ làn da tránh khỏi các tia bức xạ mặt trời nguy hiểm. Bên cạnh đó, các biện pháp tránh nắng vật lý như áo quần chống nắng, đội mũ, mang khẩu trang, găng vớ,… cũng cần được thực hiện mới có thể đem lại hiệu quả điều trị.

Trích theo: https://www.vinmec.com/vi/benh/nam-da-3191/